I. Vỏ ngoài:
Vỏ ngoài của cây đàn Piano
có thể chia làm hai loại: vỏ ngoài bằng gỗ tự nhiên đã qua xử lý
thường thấy ở những cây đàn màu nâu, màu gỗ tự nhiên và loại thứ hai
làm bằng sơn polyester thường thấy ở những cây đàn đen bóng hoặc trắng.
- Vỏ ngoài bằng gỗ tự nhiên: thường có vân gỗ tự nhiên rất đẹp, bề mặt
lỳ (những model mới) hoặc bóng (model cũ). Loại này có lợi thế là khó
trầy xướt nhưng cũng khó sửa chữa hoặc làm mới khi đã có vết trầy
xướt.
- Vỏ ngoài bằng sơn polyester bóng: dễ bị trầy xướt nhưng có thể dễ dàng
sửa chữa, làm mới. Tuy nhiên, với loại vỏ ngoài này nên hạn chế va
chạm mạnh, hạn chế đặt trong môi trường quá nóng hoặc quá khô sẽ dẫn
đến rạn nứt vỏ, bong tróc.
Với cả hai loại trên, nên bảo quản và lau chùi bằng những dầu chùi chuyên dụng dành riêng cho Piano để bảo đảm độ bóng và độ bền màu của đàn.
Ngoài ra, vỏ ngoài của Piano
còn bao gồm những bản lề, khoá, tên thương hiệu bằng đồng thau. Đối
với những phần này, Quý vị nên tránh tiếp xúc tay không trực tiếp vì
mồ hôi tay sẽ làm mờ hoặc ố đồng. Cũng như vỏ đàn, những phần đồng
thau này có dầu chùi chuyên dụng vì những loại dầu chùi này sau khi
lau sẽ để lại một lớp dầu bảo vệ có tác dụng chống oxy hoá.
Phím đàn: có hai loại phím là phím ngà và phím trắng. Phím ngà thường
không trắng và sáng bóng như các loại phím thông thường. Với cả hai
loại này, ta có thể đơn giản dùng nước tẩy rửa nhẹ (như nước rửa
kính) để lau chùi, tuyệt đối không sử dụng chất tẩy rửa chứa cồn sẽ
làm nứt phím. Không nên lau lẫn lộn giữa phím đen và phím trắng. Tốt
nhất nên tập thói quen chơi đàn sau khi đã rửa tay sạch sẽ để phím
được bóng đẹp lâu.
II. Máy móc bên trong:
Đa số các bộ phận máy móc bên trong đàn được cấu tạo từ những vật liệu
dễ hư hỏng, đòi hỏi sự bảo quản kỹ lưỡng và đúng cách. Có một vài yếu
tố cần lưu ý như sau:
- Độ ẩm: đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của
đàn vì đa số các bộ phận được chế tạo từ các vật liệu khá nhạy cảm
với độ ẩm nên nếu độ ẩm trong không khí tăng đột ngột trên mức lý
tưởng dành cho đàn (50% đến 60%) sẽ dẫn đến tình trạng kẹt phím, sét
dây…
Để hạn chế tình trạng này, nhất là trong môi trường khí hậu ẩm của Việt
Nam, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp đèn sưởi chuyên dụng và
thường xuyên sử dụng trong mùa mưa. Tuy nhiên, không nên lạm dụng đèn
sưởi quá nhiều vì nếu khô ráo thái quá, không đủ độ ẩm cho đàn piano
cũng sẽ dẫn đến những tình trạng hư hỏng trầm trọng vì các phần vật
liệu bằng gỗ và nỉ sẽ co rút ảnh hưởng đến tiếng đàn. Trong trường
hợp tình trạng thiếu độ ẩm quá trầm trọng, vượt mức cho phép, tấm
phát tiếng, các khớp nối sẽ bị hở ra, các phần dạng phím mỏng rất dễ
bong tróc, dây đàn mau bị chùng do các chốt lên dây gắn vào những
phần gỗ bị co ngót trong môi trường quá khô. Hiện tượng này thường
thấy ở các khu vực có thời tiết hanh khô.
Ngược lại, nếu khu vực bạn sống nằm trong vùng thiếu độ ẩm nghiêm trọng
thì nên trồng một vài cây cảnh để giữ độ ẩm hoặc gắn các thiết bị giữ
ẩm trong phòng đặt piano.
Đối với những ngôi nhà thường xuyên dùng điều hoà nhiệt độ, bạn cũng
nên chú ý đến vấn đề độ ẩm vì môi trường này thường thiếu độ ẩm.
- Nhiệt độ: cũng giống như độ ẩm, nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt
động của những phần cơ bên trong đàn. Trong giới hạn có thể, nên cố
gắng duy trì sự ổn định của nhiệt độ trong phòng đặt Piano
vì những thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm ngưng tụ hơi ẩm trên dây
đàn và các phần khác dẫn đến rỉ sét, đứt dây, kẹt búa, âm thanh dơ,
có tạp âm.
- Vị trí đặt Piano: nếu không hạn chế về không gian, bạn nên xem xét một vài yếu tố sau nhằm lựa chọn nơi đặt Piano phù hợp để đàn có thể cho âm thanh hay nhất.
▪ Tránh cửa sổ: những cánh cửa sổ có thể là tác nhân ảnh hưởng xấu đến
quá trình bảo quản đàn vì đây là nơi thường xảy ra sự thay đổi nhiệt
độ đột ngột nhất. Nếu phải đặt Piano
ở cửa sổ, bạn nên sử dụng một tấm màn dày để che ánh nắng chiếu trực
tiếp vào đàn và phải đóng kín cửa, không cho nước mưa tạt vào đàn.
▪ Không nên đặt đàn quá áp sát vào tường: Khi đặt đàn, chú ý tạo một
khoảng trống phía sau vì nếu đàn quá áp sát vào tường sẽ không đảm bảo
được sự thông thoáng cần thiết có thể làm cho hơi ẩm ngưng tụ phía sau
tấm phát tiếng và hạn chế độ vang của đàn. Ngoài ra, Piano đặt sát tường sẽ tạo điều kiện cho chuột bọ, gián chui vào làm tổ gây hại cho tấm phát tiếng và phần đà gỗ phía sau.
▪ Tránh các nguồn nóng: tuyệt đối không đặt đàn ở những nơi có nguồn
nhiệt toả ra quá lớn như đặt gần tủ lạnh, lò sưởi hoặc các thiết bị điện
có thể tỏa nhiệt.
Vị trí tốt nhất dành cho đàn là những khu vực trung tâm nhà không bị các
yếu tố thời tiết ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, trong phòng đặt Piano,
bạn cũng nên chú ý tránh bố trí các tác nhân có thể hạn chế âm thanh
như quá nhiều màn cửa sẽ hút âm, làm cho âm thanh không vang hoặc
sàn nhà, tường quá trơn, láng tạo ra âm thanh vang, bị dội hoặc có
tạp âm. Nếu cấu trúc ngôi nhà của bạn làm tiếng đàn bị quá vang hay
dội thì bạn có thể hạn chế bằng cách sử dụng một tấm thảm lót phía
dưới đàn.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý một vài điều cần tránh khi sử dụng đàn:
- Hạn chế đặt các vật nặng lên nóc đàn vì chúng có thể tạo ra tạp âm nếu
sàn nhà bạn không cân bằng. Những chiếc bình hoa đẹp rất có giá trị
trang trí nhưng đôi khi lại không tốt cho đàn nếu vô ý để nước đổ vào
bên trong. Nói chung, những chất lỏng có hại cho gỗ sẽ là các tác
nhân có ảnh hưởng xấu đến độ bền của đàn.
- Nên đặt đàn ở những nơi thông thoáng, sáng sủa, tránh đặt gần những
nơi ẩm thấp. Sau khi chơi, bạn nên đóng nắp đàn đề phòng chuột bọ, côn
trùng vào cắn phá.
- Thường xuyên làm vệ sinh, lau bụi bẩn vì bụi bẩn lâu ngày không những
làm mất vẻ đẹp của đàn mà còn bám váo phía trong máy móc làm lờn búa,
gây tạp âm khi đàn.
- Khi sử dụng những chất tẩy rửa chuyên dụng ở dạng xịt, tốt hơn hết bạn nên xịt vào khăn lau mềm, tránh xịt trực tiếp vào đàn.
Cũng giống như bất kỳ một nhạc cụ
nào khác, ngoài vấn đề sử dụng và bảo quản đúng cách, bạn phải
thường xuyên bảo trì đàn bởi những kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Nên
yêu cầu người bán cung cấp dịch vụ bảo trì hậu mãi thường kỳ trong
thời hạn 3 đến 5 năm tuỳ theo từng chế độ và chính sách của Công ty.
Vậy chế độ bảo trì định kỳ sẽ bao gồm những phần việc nào?
III. Chế độ bảo trì định kỳ:
- Lên dây: theo thời gian và tuỳ từng người chơi, Piano sẽ có độ chùng dây tự nhiên.
▪ Đối với đàn mới nguyên, các hãng sản xuất khuyến khích lên dây ít nhất
là 4 lần trong năm đầu tiên vì đây là thời gian các bộ phận của đàn
thay đổi thường xuyên để thích nghi với môi trường khí hậu bên ngoài.
▪ Từ năm thứ hai trở đi, sau khi đã đạt được độ ổn định tương đối, Piano
cần được lên dây ít nhất 2 lần trong năm. Và mật độ lên dây này có
thể kéo dài cho đến khi đàn ổn định về máy móc và âm thanh (tổng cộng
thời gian là 4 đến 5 năm). Sau thời gian này, tuỳ theo nhu cầu chơi
đàn của mình mà bạn có thể nhờ kỹ thuật viên lên dây lại khi đàn có
sai lệch.
- Canh chỉnh máy: là phần việc canh chỉnh toàn hoạt động của máy đàn,
dàn phím và hệ thống pedal. Canh chỉnh máy nhằm tạo sự đồng đều và
chính xác giúp người chơi có thể xử lý chính xác kỹ thuật cơ bản cũng
như nâng cao tùy theo trình độ người chơi. Đồng thời việc canh chỉnh
định kỳ cũng giúp cho Piano duy trì độ bền trong suốt quá trình sử sụng cũng như sớm phát hiện những sự cố, hỏng hóc nhằm xử lý kịp thời.
- Làm vệ sinh và kiểm tra thường kỳ: người sử dụng thường không trang bị
đầy đủ những kiến thức về sử dụng và bảo quản đàn nên đôi khi làm
giảm độ bền âm thanh và máy móc của đàn. Vì vậy, người bán phải có
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và vệ sinh tổng thể đàn khi có thể
trong suốt thời hạn bảo hành nhằm hạn chế những hư hỏng kéo dài dẫn
đến tình trạng quá nặng nề, không thể phục hồi, sửa chữa.
IV. Lưu ý khi sử dụng và bảo quản đàn piano
Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, thời tiết nóng và ẩm mưa
nhiều, độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao. Vì vậy để sử dụng và bảo
quản đàn Piano có được âm thanh tốt, tuổi thọ bền lâu, các bạn nên thực
hiện một số nguyên tắc sau:
1. Không để đàn sát tường, nên cách ra tối thiểu 10 - 15cm để tránh ẩm, cho tiếng đàn piano vang rõ
2. Không nên kê đàn ở gần vị trí ẩm, nóng như bể nước, nhà tắm, nhà
bếp... Tránh đặt các vật nặng lên đàn. Dù đẹp nhưng những lọ hoa tươi
cũng không nên đặt trên đàn bởi nếu bị đổ nước ra đàn thì sẽ làm hư
đàn.
3. Vào mùa mưa ẩm, nên cắm ống sấy cách 2 ngày 1 lần. Vào mùa hanh khô
cũng nên cắm ống sấy mỗi tuần 1 lần. Những gia đình đặt đàn ở trong
phòng có máy lạnh thì tuỳ theo mức sử dụng máy lạnh có thường xuyên hay
không để mà cắm ống sấy hoặc theo dõi khi thấy độ nhạy của phím kém,
búa kẹt thì cắm 24h (có thể sử dụng máy sấy tóc để sấy những chỗ
phím kẹt). Tuy nhiên các bạn cũng không nên cho rằng việc cắm ống sấy
thường xuyên là hay và cần thiết. Nếu cắm ống sấy nhiều quá dễ dẫn
tới hiện tượng tiếng đàn trở nên quá khô, đanh tiếng và ngay đến
thùng cộng hưởng cũng có thể rạn nứt ảnh hưởng tới chất lượng cây
đàn.
4. Nên hút bụi phía trong của đàn 2 tháng một lần bởi bụi có thể làm kẹt
các cơ cấu của máy đàn, bụi cũng hút ẩm làm ảnh hưởng chất lượng âm
thanh.
5. Sau khi chơi đàn nhớ phải đậy nắp bàn phím tránh bụi làm kẹt phím, tránh va chạm làm vỡ mặt bàn phím
6. Nên làm sạch đàn bằng chổi phất trần và khăn mềm (bề mặt trơn) như vải bông, nỉ. Tuyệt đối không được làm sạch đàn bằng nước.
8. Không tự ý tác động vào các phần cơ phía trong của đàn. Các chi tiết
máy của đàn được chế tạo khá tinh xảo đòi hỏi phải có chuyên môn nhất
định mới có thể sửa chữa được. Do đó tôi khuyên các bạn không nên tự
ý mày mò, tác động vào các cơ cấu máy của đàn.
9. Định kỳ 6 tháng/lần các bạn nên nhờ thợ chuyên môn tới căng dây đàn
lại. Bởi phần lớn các đàn ở Việt Nam là đàn cũ, các đinh vít dễ lỏng
hơn, làm chùng dây đàn trong quá trình sử dụng. Từ đó dẫn tới việc sai
tiếng dần dần mà người nghe không có trình độ chuyên môn cao khó
nhận biết được. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể làm sai
khả năng định âm chuẩn xác của tai người chơi đàn.
Nguồn:N/A